Intracom Group

Các quy định và phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang trở nên cấp bách và cực kì quan trọng, đây là những chất thải có những phương pháp xử lý hiệu quả, tuy nhiên cần sự phối hợp từ nhiều bên bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân để việc xử lý các loại chất thải sinh hoạt này diễn ra hiệu quả và bền vững. Trong bối cảnh khối lượng rác thải đang gia tăng mỗi ngày, các bãi rác tập trung đang trở nên quá tải, chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Công suất xử lý của các nhà máy rác thải đang không đáp ứng được lượng rác thải ra mỗi ngày dẫn đến tình trạng ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng ô nhiễm tại các bãi rác lớn đang khiến cuộc sống người dân tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, rác thải gây ra ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng, thấm xuống lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, các sông, hồ, ao xung quanh. Mùi rác hôi thối bốc lên làm ô nhiễm không khí. Với việc các bãi rác ngày càng đầy lên dóng lên hồi chuông cảnh báo về các vấn đề môi trường mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và có những hành động thiết thực ngay hôm nay.

Quy định về quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Quy định về phân loại: Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau để phục vụ mục đích quản lý và xử lý một cách hiệu quả, tối ưu nhất:

  • Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (bao gồm thức ăn thừa, ô thiu, lá cây, rau củ, xác động vật,….)
  • Nhóm vô cơ có khả năng tái sử dụng (bao gồm giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh,…)
  • Nhóm vô cơ còn lại

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Quy định về thu gom, vận chuyển:

  • Đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển các chất thải đến những địa điểm tập kết quy định
  • Có thời điểm, tần suất, địa điểm thu gom rõ ràng và được thông báo đại chúng tại các điểm dân cư
  • Trường hợp có các chất thải nguy hại thì phải xử lý theo quy định của chất thải nguy hại
  • Đơn vị thu gom, vận chuyển phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan đô thị
  • Đảm bảo sức khỏe cho công nhân thu gom và xử lý rác thải

Các phương pháp xử lý loại chất thải này

Mục đích của việc xử lý chất thải sinh hoạt đó là giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của chúng đến môi trường. Tùy vào từng phương pháp xử lý mà có chi phí khác nhau, các phương pháp xử lý chất thải rắn thông thường có chi phí thấp thì sẽ đi kèm với những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, ngược lại với việc đầu tư công nghệ xử lý rác thải sẽ có chi phí cao hơn nhưng chất lượng xử lý tốt hơn.

Phương pháp chôn lấp rác thải

Đây là phương pháp xử lý cơ bản nhất được áp dụng với các chất thải rắn sinh hoạt không tái chế. Phương pháp này cũng được áp dụng cho các loại chất thải khác như chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Rác thải rắn sẽ được chôn và nén dưới lòng đất sau đó phủ lên bề mặt. Các chất thải rắn trong bãi chôn sẽ tan rã nhờ quá trình phân hủy sinh học để tạo ra các axit hữu cơ, nito hay các hợp chất amon cùng với CO2 và CH4.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đô thị hóa ngày nay, các chất thải rắn sinh hoạt có nhiều hơn các loại rác thải vô cơ không phân hủy như nhựa, nilon. Các loại rác thải này vừa gây ra tình trạng quá tải bãi rác, vừa khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Phương pháp đốt chất thải

Tại các quốc gia phát triển, phương pháp đốt chất thải là phương pháp phổ biến khi có thể dùng nhiệt lượng tạo ra để sản xuất điện quay trở lại cuộc sống, vừa giải quyết vấn đề môi trường, vừa giải quyết vấn đề năng lượng. Phương pháp thiêu đốt chất thải cũng được áp dụng cho các loại chất thải khác như chất thải công nghiệp, chất thải y tế, sau đó xử lý khí thải sinh ra. Từ đó giảm thiểu rất tốt các vấn đề về môi trường với phương pháp này.

Đốt rác tạo ra điện là một phương pháp tuyệt vời, tuy nhiên, việc đốt rác sẽ tạo ra những khí thải độc hại có thể ảnh hưởng rất lớn đến môi trường không khí, vì vậy, mỗi một lò đốt rác sẽ cần trang bị hệ thống lọc khí thải nhằm khống chế và chuyển đổi các khí thải này.

Phương pháp tái chế

Là phương pháp đơn giản, có thể thực hiện ngay sau quá trình phân loại chất thải sinh hoạt. Các loại rác thải có thể tái chế bao gồm: Giấy, bìa caton; các loại nhựa có mã PE, PVC, PP; kim loại; thủy tinh; gỗ; thực phẩm để làm phân bón; đồ điện tử; vải. Các hoạt động tái chế tại Việt Nam vẫn chưa được đầu tư bài bản mà chủ yếu là các hoạt động tự phát như thu mua ve chai, tách lấy linh kiện điện tử.

Các phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được cho là tối ưu với các nước đang phát triển như Việt Nam, tuy nhiên, những hạn chế vẫn còn tồn tại rất lớn khiến chúng ta vẫn cần phải đầu tư thêm vào vấn đề xử lý và quản lý loại chất thải này.

Ở các quốc gia phát triển, điện rác đóng vai trò quan trọng trong ngành an ninh năng lượng, nó vừa có thể giải quyết lượng rác thải lớn, vừa có thể tạo ra giá trị để mang quay trở lại với nền kinh tế. Các nhà máy điện rác ở Việt Nam hiện nay vẫn có công suất xử lý rác thải chưa đáng kể, nhiều dự án còn đắp chiếu, chưa hoàn thành và đi vào sử dụng.

Không chỉ phụ thuộc vào các phương pháp xử lý rác thải, mỗi một cá nhân chúng ta cũng là những mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo quản lý rác thải một cách tốt nhất. Từ việc phân loại rác thải, cho đến việc tái chế tái sử dụng, giảm thiểu các chất thải nhựa bằng cách tiêu dùng thông minh, không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Có rất nhiều cách để giúp môi trường sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn khi rác thải không còn là vấn đề lớn. Hãy chung tay gìn giữ cho hệ sinh thái được phục hồi và phát triển tốt, tạo ra môi trường sống tươi đẹp cho thế hệ tương lai.

5/5 - (3 bình chọn)
  • Tags: