Intracom Group

Shark Nguyễn Thanh Việt: “Hãy coi kinh doanh như một ván cờ, nếu tình thế quá bi quan thì xóa đi làm ván khác”

Theo Shark Việt chia sẻ với các doanh nghiệp SMEs rằng: “Tàu có thể chìm ngoài sóng lớn nhưng bè mảng kết lại thì không bao giờ chìm. Càng khó khăn thì doanh nghiệp càng cần phải đoàn kết. Phải xây dựng được văn hóa kinh doanh”

 

Tại buổi tọa đàm về “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp SMEs thời Covid-19” vừa qua Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Intracom đã có những chia sẻ rất hay và thú vị về các vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong dịch Covid-19. Ông cũng đưa ra những định hướng, chiến lược cụ thể giúp các doanh nghiệp SMEs vượt qua được khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng này.

 

Chủ tịch HĐQT Intracom có chia sẻ: “Giai đoạn vừa qua có nhiều doanh nghiệp đề nghị được tư vấn và giúp đỡ, nhưng đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn này thường là thiếu kế hoạch. Họ thường chỉ có một kế hoạch duy nhất đó là kế hoạch cho sự thất bại. Nếu các doanh nghiệp đã có kế hoạch kinh doanh thì phải điều chỉnh để thích ứng với thời cuộc. Cần luôn phải thăm dò thị trường để cải tổ và thay đổi. Trong những giai đoạn khó khăn này đáng làm 10 thì chúng ta chỉ làm 4-5 để giữ sức khỏe tìm hướng phát triển mới.”

 

Hơn lúc nào hết ở giai đoạn này các ngành nghề cần phải có sự thay đổi linh hoạt và sáng tạo với tình hình thực tế. Khi khách hàng thay đổi hành vi tiêu dùng thì doanh nghiệp cũng cần thay đổi hành vi bán hàng của mình.

 

Ông cũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp chúng ta phải tự tìm cách cứu mình. Đừng quá mong chờ vào gói cứu trợ của Chính phủ. Ai đã phải bất động thở bằng máy rồi thì rất khó có thể đứng dậy khỏe mạnh như cũ, hãy xem kinh doanh như một ván cờ, nếu tình thế quá bi quan thì xóa đi làm ván khác” . Ông khuyên các doanh nghiệp SMEs nên tập hợp nhau lại thành những hiệp hội theo ngành hàng để có tầm ảnh hưởng đưa ra những đề xuất với Chính phủ xin cơ chế, chính sách kiến nghị một cách rõ nét

 

Theo ông các tiêu chí để các doanh nghiệp SMEs vượt qua được đại dịch chính là Đoàn kết – Sáng tạo – Gắn bó – Thông cảm – Chia sẻ – Kết nối. Ông khẳng định: “Tàu có thể chìm ngoài sóng lớn nhưng bè mảng kết lại thì không bao giờ chìm. Càng khó khăn thì doanh nghiệp càng cần phải đoàn kết. Phải xây dựng được văn hóa kinh doanh”.

Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT Intracom.

Tại buổi tọa đàm Shark Việtđã trả lời nhiềucâu hỏi đến từ phía các chủ doanh nghiệp SMEs, trả lời câu hỏi ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp SMEsViệt Nam có thể tận dụng giai đoạn dịch bệnh này để đột phá trên thị trường không? Ông Việt cho rằng: “Các doanh nghiệp hãy làm những cái gì là sở trường, khi nghiên cứu những cái mới phải thật thận trọng. Cần phải tiết kiệm chi phí từ những cái nhỏ nhất… Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên xem xét lại kế hoạch kinh doanh phân tích điểm mạnh, điểm yếu về chi phí – con người – công nghệ – vật tư tiêu hao đang rất lãng phí. Cũng cần phân tích đánh giá kế hoạch kinh doanh một cách nghiêm túc, đánh giá thường xuyên theo từng thời điểm. Kế hoạch kinh doanh cần phải thay đổi theo thị trường, thích ứng từng giờ từng phút chứ ko được máy móc. Đừng bao giờ tính cua trong lỗ”…

 

Chia sẻ về những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải khi tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như tư vấn cho các doanh nghiệp SMEs có thể xin gói hỗ trợ này hiệu quả hơn, ông Việt cho hay: Kể cả giải quyết được gói hỗ trợ thì các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh với nhau đưa ra phương án, đồ án của mình để Ngân hàng duyệt. Hiện tại các doanh nghiệp SMEs đang khó khăn ở chỗ họ chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể về cả dài và ngắn hạn.

 

Các doanh nghiệp hãy nghiên cứu kế hoạch hoàn chỉnh chi tiết. Cần giảm cái gì cần tăng cái gì.. khó khăn đến đâu ta giải quyết đến đấy. Hãy kiểm tra yêu cầu từng ngân hàng. Làm kế hoạch cần dễ hiểu và xem chúng ta sẽ bổ sung và tăng dòng tiền như thế nào. Trong giai đoạn này tiền mặt là vua. Ai có tính thanh khoản cao sẽ có hiệu quả.

 

Dự báo về việc liệu sau khi đại dịch xảy ra thì các doanh nghiệp Châu Âu có đầu tư ồ ạt vào Việt Nam không? Ông Việt cho rằng, với chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ cùng với các chính sách ngoại thương hợp tác quốc tế, thì chắc chắn các doanh nghiệp Châu Âu sẽ quan tâm đến Việt Nam. Chúng ta đang có lợi thế về nhân lực, không ở chiến trường nóng bỏng của các cuộc chiến bảo hộ các quốc gia…

 

“Tuy sẽ có sự đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài nhưng theo tôi sẽ không nhanh được vì các doanh nghiệp Châu Âu hiện tại cũng đang bị ốm vì dịch Covid-19 thậm chí là ốm nặng đến mức thập tử nhất sinh. Bên cạnh đó hệ thống chính sách của nước ta cũng chưa giải quyết nhanh vì liên quan đến an ninh cần phải thận trọng nếu không cân bằng với doanh nghiệp trong nước thì không ổn”, ông Việt nói.

 

Trả lời câu hỏi về việc doanh nghiệp cần tính chuyện giữ người hay giữ tiền trong giai đoạn khó khăn này, ông Việt cho rằng, các doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi giữ để làm gì trước đã. Có những con người dùng tiền cũng không thể mua được vì bản thân con người cũng chính là nguồn vồn của doanh nghiệp. Vì vậy tốt nhất chúng ta hay thuyết phục nhân sự của mình, phải “liệu cơm mà gắp mắm”, với từng nhân viên cụ thể thì cần có những chính sách khác nhau.

 

“Nhưng người tôi nghĩ nhất định chúng ta phải quan tâm đó là cổ đông của các công ty. Họ là người bị thiệt thòi nhất. Làm gì thì làm hãy quan tâm đến cổ đông, đến hiệu quả doanh nghiệp. Những con người ấy rất quan trọng. Vì vậy cần cân đối giữa người và tiền”, ông Việt nhấn mạnh.

 

Dự báo về khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể quay trở lại và đạt con số 7,03% vào năm 2021 hay không. Ông Việt cho hay, một trong những yếu tố để chiến thắng cần tự tin và lạc quan. Nhưng để lạc quan được chúng ra cần kiểm soát được dịch bệnh. Phải xác định tinh thần ngay từ đầu là chúng ta sẽ “sống chung với lũ”, sống chung với khủng hoảng, đại dịch. Nếu chủ quan Covid-19 quay trở lại thì sẽ rất mệt.

 

Bản thân các doanh nghiệp cũng cần có tiến trình quản lý doanh nghiệp phù hợp với thời kỳ dịch bệnh. Tương lai sẽ phát sinh nhiều loại dịch bệnh khác ngoài Covid-19 vì vậy doanh nghiệp cần xác định không có dịch này có dịch khác nên nhận thức và hành vi phải khác đi. Mỗi doanh nghiệp hãy tự mình chống cúm cho chính mình. Hãy sống chung với dịch.

 

Đối với các doanh nghiệp trẻ, ông Việt nhấn mạnh, các bạn trẻ khi tham gia kinh doanh cần phải xác định chúng ta là thuyền trưởng, là những người làm nên lịch sử phải lấy “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Bình tĩnh – Bản lĩnh – Trí tuệ có được ba điều này tất cả sẽ vượt qua đại dịch và sẽ thành công. Giai đoạn này chúng ta không nên nặng nề vào tăng trưởng mà cần phát triển bền vững.

 

Theo Doanh Nghiệp Việt Nam

Link bài gốc: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/shark-nguyen-thanh-viet-hay-coi-kinh-doanh-nhu-mot-van-co-neu-tinh-the-qua-bi-quan-thi-xoa-di-lam-van-khac/20200423013443089

Đánh giá
  • Tags: