Intracom Group

Phế phẩm nông nghiệp là gì? Chúng ta đang lãng phí “tài nguyên” này thế nào?

Mặc dù có tên gọi là phế phẩm nông nghiệp nhưng những giá trị kinh tế mà nó mang lại không hề nhỏ. Bên cạnh việc tái sử dụng, chúng ta cũng cần nhìn nhận và xử lý các loại phế phẩm này một cách toàn diện và hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp cũng như bảo vệ môi trường. Việc tận dụng tốt loại phế phẩm này không những bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế, xã hội. Trong bài viết này, hãy cùng nhau tìm hiểu về phế phẩm nông nghiệp và những giá trị kinh tế của nó nhé!

Phế phẩm nông nghiệp là gì?

Phế phẩm là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các sản phẩm còn lại, sản phẩm hỏng lỗi, chất thải hoặc những loại vật liệu không còn giá trị trong sản xuất, chế biến. Các phế phẩm thường được vứt bỏ hoặc tái sử dụng, tái chế nếu có thể trở thành nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất chế biến khác.

phế phẩm nông nghiệp

Phế phẩm nông nghiệp là các sản phẩm còn lại, sản phẩm lỗi, chất thải được tạo ra trong các hoạt động nông nghiệp, các phế phẩm này thường xuất hiện trong quá trình chế biến, và xử lý các nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp.

Một số loại phế phẩm nông nghiệp phổ biến có thể kể đến như: Rơm rạ, trấu, mã mía, vỏ trái cây, chất thải chăn nuôi, trồng trọt, phế phẩm trong sản xuất, chế biến thủy hải sản,… Các phế phẩm này tuy đều có tính hữu cơ và nhanh chóng phân hủy, tuy vậy khi xả thải ra môi trường vẫn sẽ gây ra những ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Việc tối ưu hóa, tái sử dụng các phế phẩm này sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm và có nhiều công dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Giá trị kinh tế của phế phẩm nông nghiệp

Mặc dù được gọi là phế phẩm nhưng phế phẩm nông nghiệp vẫn có nhiều giá trị sử dụng, mang đến nhiều giá trị về kinh tế nếu chúng ta tận dụng tốt chúng:

Nguồn nguyên liệu hữu cơ: phân bón hữu cơ là giá trị kinh tế đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy từ phế phẩm nông nghiệp. Các loại phế phẩm như rơm rạ, trấu, bã mía, vỏ trái cây,… đều có thể chế biến để trở thành phân bón hữu cơ. Điều này không chỉ giúp cải tạo và nâng cao mức độ dinh dưỡng của đất trồng, tăng thêm sức khỏe và dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp giảm thiểu đáng kể lượng phế phẩm bỏ đi ra ngoài môi trường.

Năng lượng sinh khối: như đã biết, năng lượng sinh khối được tạo ra từ việc đốt các loại hữu cơ trong lò đốt để tạo ra các nguồn năng lượng khác nhau. Các loại phế phẩm như bã mía, bã rượu,… hoàn toàn có thể được sử dụng để sản xuất sinh khối.

Thức ăn gia súc: Các loài gia súc ăn thực vật chúng ta có thể tận dụng rơm, rạ, cỏ, vỏ trái cây làm thức ăn gia súc. Điều này giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm chi phí trong chăn nuôi.

Bên cạnh những giá trị trên, người ta còn nghiên cứu sử dụng các phế phẩm nông nghiệp vào mục đích làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp. Những giá trị này giúp giảm tải được đáng kể chi phí xử lý rác thải, tạo ra được lợi ích kinh tế cho người dân.

Chúng ta đang lãng phí “loại tài nguyên” này thế nào?

Trong nông nghiệp, chúng ta đang phấn đấu phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sử dụng các phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Mô hình này được áp dụng rộng rãi và hiệu quả tại nhiều hợp tác xã. Phụ phẩm nông nghiệp được chế biến thành thức ăn gia súc dạng viên, xuất khẩu mang lại giá trị rất cao. Tuy vậy, quy mô và hình thức vẫn còn đang dừng lại mở những mô hình nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa có những mô hình lớn để sản xuất tập trung và tối ưu hóa những giá trị mà phế phẩm nông nghiệp mang lại.

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của Việt Nam rất cao, khoảng 13 triệu tấn mỗi năm; trong khi đó, công suất của các nhà máy sản xuất phân hữu cơ rất thấp, chưa đến 1 triệu tấn mỗi năm. Việc khai thác nguồn nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp được coi là hướng đi quan trọng, phù hợp xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch hiện nay. Theo báo cáo, lượng phân bón sử dụng tại đồng bằng sông Cửu Long vượt 35% so với mặt bằng chung của cả nước, vì vậy, việc sử dụng lại phế phẩm để phục vụ sản xuất là hết sức cần thiết.

Trong những nỗ lực về việc tái sử dụng rác thải nông nghiệp, chúng ta đã chứng kiến nhiều mô hình thành công như việc sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng từ sinh khối, thực phẩm sạch,… Những nghiên cứu mới, ứng dụng khoa học công nghệ đang giúp chúng ta có thêm nhiều giá trị kinh tế từ loại phế phẩm này thay vì xả thải ra môi trường như trước đây.

Phế phẩm nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn là nguồn nguyên liệu tái tạo tuyệt vời cho ngành nông nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta cần tăng cường năng suất nhưng vẫn phải bám sát mục tiêu phát triển bền vững như hiện nay, đây không chỉ là một lựa chọn đúng đắn mà còn giúp bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội xây dựng một ngành nông nghiệp phát triển xanh, mạnh mẽ và bền vững nếu biết tận dụng tốt “nguồn tài nguyên tái tạo” này. Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp rõ ràng không phải của riêng ngành nông nghiệp mà là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng và bảo vệ trái đất xanh. Tăng cường nhận thức và hành động cộng đồng là những việc làm thiết thực để khai thác tối ưu giá trị.

5/5 - (1 bình chọn)
  • Tags:

Tin tức liên quan