Intracom Group

Lời giải nào cho bài toán ô nhiễm môi trường ở nông thôn?

Ô nhiễm môi trường ở nông thôn không chỉ là vấn đề cấp bách của nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng. Việt Nam là một nước nông nghiệp, với 67% dân số tập trung tại các khu vực nông thôn, đóng góp của ngành nông nghiệp tới 20% GDP cả nước. Việc giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện cuộc sống của con người, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là điều cấp thiết hiện nay.

Thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta đang trở thành xu hướng tất yếu. Tuy vậy, quá trình hiện đại hóa này bên cạnh những lợi ích và sự phát triển vượt bậc cho ngành nông nghiệp, nó vẫn sản sinh ra nhiều mặt trái, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cuộc sống vật chất và chất lượng sống của người dân tại các khu vực nông thôn được nâng cao bao nhiêu thì môi trương lại xuống cấp bấy nhiêu.

Hiện nay, tại nhiều nơi, ao hồ, sông không thể nuôi cá khi nước thải, rác thải đầy mặt ao hồ, nước giếng khơi cũng không được sử dụng để tắm rửa, sinh hoạt, giặt giũ được. Thậm chí tại nhiều khu vực, nguồn nước ngầm cũng phải cảnh giác khi sử dụng bởi trong nước có chứa nhiều thành phần độc hại, có hại cho sức khỏe của con người. Rõ ràng, môi trường nông thôn đang không còn yên bình và trong lành như xưa.

ô nhiễm môi trường ở nông thôn

Các hoạt động đốt rơm rạ vào sau những mùa thu hoạch lúa đang gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, gây khó chịu cho con người, cản trở tầm nhìn giao thông bởi khói, việc tiêu hủy rơm rạ bằng biện pháp đốt cũng sản sinh ra nhiều chất độc hại.

Bên cạnh đó, việc người nông dân lạm dụng các loại thuốc hóa học cho cây trồng cũng gây ra ảnh hưởng đến nguồn nước, từ đó tác động đến sức khỏe của người dân. Chưa kể đến những nơi nằm gần khu vực chôn lấp rác thải, gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày khi mùi hôi thối bốc lên.

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm ở nông thôn

Quy hoạch các làng nghề

Để giải quyết tình trạng này, đầu tiên chúng ta cần xem xét và quy hoạch lại các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề vẫn đang nằm xen kẽ cùng các hộ gia đình. Việc làm này sẽ giúp tập trung quản lý khu vực chất thải một cách hiệu quả và chặt chẽ hơn. Có hệ thống xử lý chất thải nông nghiệp cho các làng nghề, tuyên truyền, giáo dục người dân sử dụng các chất hóa học bảo vệ thực vật một cách hợp lý và an toàn, đúng hướng dẫn, tránh dư lượng trong sản xuất nông nghiệp, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

Nâng cao nhận thức, ý thức người dân

Quan trọng hơn cả, việc bảo vệ môi trường đến từ nhận thức và ý thức của mỗi cá nhân. Từ các giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, nguồn tài chính hỗ trợ cho đến các công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về ô nhiễm môi trường, về các cách làm đúng, hợp lý và an toàn cho đến ý thức tự bảo vệ môi trường mà mình đang sinh sống. Các giải pháp về kiểm soát môi trường, kiểm tra thường xuyên các vấn đề về môi trường tại khu vực. Có kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng và khả năng ô nhiễm môi trường tại khu vực để có những biện pháp kịp thời.

Có chế tài xử phạt mạnh mẽ

Nhà nước, địa phương cũng cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chế tài xử phạt (thậm chí là cưỡng chế hành vi và xử lý hình sự). Các hình thức xử phạt phải đủ mạnh để đánh vào tâm lý và ý thức của người dân, nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, có trách nhiệm với bản thân, xã hội.

Tình trạng ô nhiễm ở nông thôn đang diễn ra theo chiều hướng xấu, ngày càng trở nên nghiêm trọng, chúng ta không thể để yên với những tác động tiêu cực mà nó đang gây ra với môi trường và cả sức khỏe của con người. Đây là một thách thức rất lớn đối với chính quyền và cả những người nông dân trong công cuộc giảm thiểu tối đa ô nhiễm.

Để làm được điều đó, chúng ta cần có một chiến lược toàn diện và sự bắt tay hợp tác từ tất cả các bên liên quan. Một trong những yếu tố quan trọng đến từ nhận thức cộng đồng và giáo dục về vấn đề ô nhiễm môi trường, để mỗi người hiểu và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng, người nông dân và doanh nghiệp bằng các dự án phát triển nông thôn sẽ là điều kiện tốt để các bên cùng được hưởng lợi, giảm thiểu ô nhiễm và tạo ra nguồn thu bền vững. Tóm lại, chìa khóa để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn đó là sự đoàn kết, hợp tác của cả 3 bên: Chính phủ – doanh nghiệp – người nông dân. Thông qua những nỗ lực, chúng ta mới có thể giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, gìn giữ một môi trường sống lành mạnh và đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

5/5 - (1 bình chọn)
  • Tags: