Intracom Group

Nông nghiệp bền vững và những lợi ích

Nông nghiệp bền vững chính là tương lai của ngành nông nghiệp, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Sự đổi mới và áp dụng các phương pháp nông nghiệp bền vững không chỉ là một hướng đi mới, mà nó còn là điều quan trọng tất yếu của xã hội ngày nay, nhất là trong bối cảnh các vấn đề về biến đổi khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu đang ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn sẽ là ngành quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực của dân số toàn cầu đang ngày một tăng cao, gìn giữ và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái.

Nông nghiệp bền vững là gì?

Nông nghiệp bền vững được hiểu đơn giản là việc canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững, lâu dài. Ngành nông nghiệp bền vững phải đáp ứng được 2 yếu tố: Con người và môi trường, đáp ứng được nhu cầu lương thực của hiện tại, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho môi trường để phát triển lâu dài trong tương lai.

nông nghiệp bền vững

Việc phát triển nông nghiệp bền vững cần đáp ứng đủ 3 yếu tố sau:

  • Phải luôn đảm bảo mức thu nhập công bằng, đầy đủ cho người nông dân
  • Đặc biệt tôn trọng môi trường và bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên
  • Không gây ra các tác động ảnh hưởng đến thế hệ tương lai làm nông nghiệp nói riêng và thế hệ tương lai nói chung, đảm bảo sự công bằng trong tương lai.

Nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong cả khía cạnh về kinh tế và xã hội:

Về kinh tế, nông nghiệp là ngành cung cấp lương thực quan trọng cho các hoạt động sống của con người, cung cấp nguyên liệu cho các ngành chế biến. Nông sản được đưa vào chế biến nhằm nâng cao giá trị, kiểm soát chất lượng nông sản, mang đến giá trị cao cho người nông dân, đặc biệt là hướng đến xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài với giá trị kinh tế cao.

Về xã hội, với việc tạo ra sự công bằng trong mức thu nhập của người nông dân, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của khu vực nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Thu gọn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Lợi ích của nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp bền vững mang đến nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ cho người nông dân, mà xã hội và môi trường cũng đều được hưởng lợi.

Bảo vệ môi trường: Một trong những yếu tố then chốt của “bền vững” đó là môi trường. Nông nghiệp bền vững tập trung vào việc giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường bằng việc sử dụng các hình thức canh tác thông minh, tái chế phế phẩm, chất thải, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp bền vững bảo vệ sự đa dạng sinh học, giúp duy trì sự cân bằng của tự nhiên và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

Tiết kiệm năng lượng: Nông nghiệp bền vững thường ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, tái chế chất thải một cách hiệu quả. Điều này giúp giảm lượng khí thải nhà kính, giảm đi ô nhiễm môi trường và cả chi phí vận hành, sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng ít hóa chất độc hại hơn là một lợi ích vô cùng quan trọng của nông nghiệp bền vững. Quản lý tài nguyên hiệu quả giúp ngăn chặn đất đai trở nên nghèo dinh dưỡng và bảo vệ nguồn nước.

An toàn cho con người: Con người cũng là một trong các yếu tố then chốt của phát triển bền vững, sản phẩm nông nghiệp bền vững không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, được chế biến và sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Điều này vừa đảm bảo dinh dưỡng cho nông sản, vừa an toàn với sức khỏe con người.

Tăng cường an sinh xã hội: Không chỉ là các yếu tố về môi trường và sức khỏe con người, bền vững còn ảnh hưởng đến sự công bằng xã hội. Đầu tiên là tạo ra sự ổn định, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Ngoài ra, nông nghiệp bền vững còn giúp duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm đáng kể ô nhiễm do các chất hóa học, tăng sức bền bỉ của ngành nông nghiệp trước những thay đổi lớn.

Không chỉ mang đến một nguồn thu nhập ổn định, tiết kiệm chi phí cho người nông dân, nông nghiệp bền vững còn giữ cho đất đai, không khí, nguồn nước được bảo vệ. Bằng cách tối ưu việc tận dụng các tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm được khí thải nhà kính phát sinh ra ngoài môi trường, tăng cường sự đa dạng sinh học và dinh dưỡng cho hoạt động canh tác, xây dựng một hệ thống nông nghiệp lành mạnh, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, nông nghiệp bền vững tạo ra các nông sản chất lượng cao, dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Rõ ràng, nông nghiệp bền vững không chỉ là phương thức, mà nó còn là tương lai của ngành nông nghiệp. Tầm quan trọng của ngành nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cung cấp lương thực mà còn là việc bảo vệ, quản lý môi trường, cải thiện sự đa dạng sinh học vốn đang bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về ô nhiễm. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để hướng tới một tương lai nông nghiệp hài hòa, phát triển bền vững, và đảm bảo cho sự sống còn của hành tinh chúng ta.

5/5 - (1 bình chọn)
  • Tags: