Intracom Group

Nghi thức lễ Phật Đản có những nội dung quan trong nào?

Một trong những sự kiện trọng đại nhất của Phật giáo là Lễ Phật Đản, được tổ chức hàng năm để kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong ngày này, việc thực hiện đầy đủ và chính xác các nghi thức là cách thể hiện lòng thành kính với Đức Phật. Dưới đây là một số nghi thức Lễ Phật Đản, mời bạn đọc cùng tham khảo.

Đôi nét sơ qua về Lễ Phật Đản

Ngày Phật Đản, một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo), là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. 

Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Tuy nhiên, tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên đã thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

nghi thức lễ phật đản

Hình thức tổ chức Đại lễ Phật Đản

01 ngày trọng thể hoặc Tuần lễ kính mừng Phật đản có thể tổ chức, phụ thuộc vào tình hình thực tế tại địa phương.

Các chùa, cơ sở tự viện tổ chức bồn tắm Phật truyền thống, đồng thời khuyến khích các gia đình tôn trí bồn tắm Phật nơi trang nghiêm tại tư gia 

Treo cờ, phan, phướn, lồng đèn, thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni, biểu ngữ Kính mừng Phật đản… tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, và các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như tại các gia đình Phật tử. 

Trong trường hợp treo cờ, biểu ngữ, pano ngoài phạm vi cơ sở thờ tự, cần báo trước với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoặc với Phòng Văn hóa Thể thao địa phương để nhận hướng dẫn cụ thể.

Tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ tại nghĩa trang và đài Liệt sĩ… • Thăm viếng và tặng quà cho các gia đình có công với nước, thương binh, gia đình liệt sĩ, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi, trại dưỡng lão… 

Phải có kế hoạch đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, cũng như phòng cháy nổ trong suốt thời gian tổ chức Đại lễ.

Nghi thức Lễ Phật Đản

Đại lễ Phật Đản là ngày được tổ chức hàng năm để kỷ niệm sinh nhật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, diễn ra vào ngày rằm tháng tư âm lịch. 

Nghi thức Lễ Phật Đản sẽ có những nội dung chính sau: Cúng Hương, Cầu Nguyện, Khen Ngợi Phật, Quán Tưởng, Đảnh Lễ, Bài Tụng Khánh Đản, Xưng Tán Hồng Danh, Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tam Quy, Hồi Hướng

Nghi thức cử hành cúng hương:

Nguyện đem lòng thành kính

Gởi theo đám mây hương

Phảng phất khắp mười phương

Cúng dường ngôi Tam Bảo

Thề trọn đời giữ Đạo

Theo tự tánh làm lành

Cùng pháp giới chúng sanh

Cầu Phật từ gia hộ

Tâm Bồ Đề kiên cố

Xa bể khổ nguồn mê

Chóng quay về Bờ Giác

Cầu Nguyện

Nay chính là ngày,

Đức Thích Tôn giáng thế để hóa độ chúng sanh.

Chúng con một dạ vui mừng,

Cúng dường kỷ niệm.

Kính dâng một nén tâm hương,

Ba nghiệp tin cần,

Cúi đầu đảnh lễ,

Nguyện y lời Phật dạy,

Tụng kinh niệm Phật chuyên cần,

Quyết theo Phật pháp làm lành,

Báo đền công ơn hóa độ,

Tâm Bồ Đề kiên cố,

Chí tu học vững bền,

Cùng pháp giới chúng sanh,

Nghiệp chướng tiêu trừ,

Căn lành viên mãn,

Mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Ngưỡng mong Phật Tổ cao vời từ bi gia hộ.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 tiếng chuông, xá 1 xá, đứng dậy)

Khen ngợi Phật

Đấng Pháp Vương vô thượng

Ba cõi chẳng ai bằng

Thầy dạy khắp trời, người

Cha lành chung bốn loài

Quy y tròn một niệm

Dứt sạch nghiệp ba kỳ

Xưng dương cùng tán thán

Ức kiếp không cùng tận (1 tiếng chuông, xá 1 xá)

Quán tưởng phật

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới đế châu ví đạo tràng

Mười phương Phật hiện hào quang sáng ngời

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. (1tiếng chuông, xá 1 xá)

Đảnh lễ

Chí tâm đảnh lễ:

Nam Mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật,

Tôn Pháp Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ:

Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật,

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát,

Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát,

Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ:

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật,

Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát,

Đại Thế Chí Bồ Tát,

Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát,

Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Bài tụng khánh đản

Đệ tử hôm nay

Gặp ngày Phật Đản

Một dạ vui mừng

Cúi đầu đảnh lễ

Thập phương Tam Thế

Điều Ngự Như Lai

Cùng Thánh, Hiền, Tăng (1 tiếng chuông)

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh

Bởi thiếu căn lành

Thảy đều sa đọa

Tham, sân chấp ngã

Quên hẳn đường về

Tình ái si mê

Tù trong lục đạo

Trăm dây phiền não

Nghiệp báo không cùng.

Nay nhờ Phật Tổ Năng Nhơn

Rũ lòng lân mẫn

Không nỡ sinh linh thiếu phước

Nặng kiếp luân hồi

Đêm dài tâm tối

Đuốc tuệ rạng soi

Nguyện cứu muôn loài

Pháp dùng phương tiện

Ta Bà thị hiện

Thích chủng thọ sanh

Thánh Ma Gia mộng ứng điềm lành

Vua Tịnh Phạn phước sinh con thảo

Ba mươi hai tướng tốt

Vừa mười chín tuổi xuân

Lòng từ ái cực thuần

Chí xuất trần quá mạnh

Ngai vàng quyết tránh

Sáu năm khổ hạnh rừng già

Bảy thất nghiêm tin thiền tọa

Chứng thành đạo quả

Hàng phục ma binh

Ba cõi đều dậy tiếng hoan nghênh

Muôn vật thảy nhờ ơn tế độ.

Chúng con nguyền

Dứt bỏ dục tình ngoan cố

Học đòi đức tánh quang minh

Cúi xin Phật Tổ giám thành

Từ Bi gia hộ

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh

Chóng thành Đạo Cả. (1 tiếng chuông)

(Chỉ chủ lễ xướng)

Xưng tán hồng danh

Thích Ca thị hiện Ta Bà

Trời, người hớn hở dâng hoa cúng dường

Báu thân rực rỡ phi thường

Mâu Ni là đấng Pháp Vương cứu đời. (1 tiếng chuông)

(Đại chúng đồng tụng)

Nam Mô Ta Ba Thế Giới,

Tam Giới Đạo sư,

Tứ Sinh Từ Phụ,

Nhơn Thiên Giáo Chủ,

Thiên Bá Ức Hóa Thân,

Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

(Niệm Hồng Danh Đức Bổn Sư nhiều hay ít tùy theo số người tắm Phật.)

(Niệm các Hồng danh sau đây niệm 3 lần, 1 tiếng chuông)

Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Nam Mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát

Kinh bát nhã ba la mật

Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa,

Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.

“Này Ông Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế”.

“Này Ông Xá Lợi Phất, ‘tướng không của mọi pháp’ không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, nên trong ‘chân không’, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có cái hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí huệ, cũng không có chứng đắc.

Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.

Chư Phật trong ba đời cũng y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thuợng Chú, là Vô

Đẳng Đẳng Chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư”.

Vì vậy, liền nói Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa:

“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”. (1 tiếng chuông)

Tam quy

Con nương theo Phật, cầu cho chúng sanh
Tin chắc Đạo cả, phát lòng vô thượng. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Con nương theo Pháp, cầu cho chúng sanh
Thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Con nương theo Tăng, cầu cho chúng sanh
Kính tín hòa hợp, tất cả không ngại. (3 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Hồi hướng

Nguyện đem công đức này
Đệ tử hướng tâm thành
Cầu cho khắp chúng sanh
Đều chứng thành Phật quả (1 tiếng chuông, xá 1 xá)

Đại lễ Phật Đản được tổ chức nhiều nơi trên thế giới để tưởng nhớ đến sự ra đời của Đức Phật và để tôn vinh các giá trị tinh thần và triết lý mà Ngài đã truyền bá.

Trong ngày lễ, các tín đồ Phật Giáo thường tham gia các nghi thức tôn kính Đức Phật, như lễ cúng dường, đọc kinh, dâng hoa, thuyết giảng, cầu nguyện, và thực hiện nhiều việc thiện, phóng sinh. Hy vọng bài viết Hướng dẫn Nghi thức lễ Phật ĐảnIntracom Group vừa cung cấp đã mang đến thông tin hữu ích cho quý vị tham khảo.

5/5 - (1 bình chọn)
  • Tags:

Tin tức liên quan