Năng lượng sinh khối đang trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống năng lượng tái tạo, nhưng bạn đã hiểu rõ về nó chưa? Hãy cùng chúng tôi khám phá về năng lượng sinh khối là gì, ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày đến những lợi ích mà nó mang lại cho môi trường và kinh tế. Đừng bỏ lỡ bài viết này để hiểu rõ hơn về nguồn năng lượng bền vững này.
Năng lượng sinh khối là một loại năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được sản xuất từ các nguồn tài nguyên hữu cơ (sinh khối) như cây trồng, chất thải nông nghiệp, chất thải hữu cơ và các tài nguyên sinh học khác. Quá trình sản xuất năng lượng sinh khối thường bao gồm việc chuyển đổi nguyên liệu hữu cơ thành nhiệt năng hoặc điện năng. Mỗi loại sinh khối khác nhau lại có cách khai thác năng lượng khác nhau, có thể đốt, nhiệt phân khí, pin nhiên liệu,…
Năng lượng sinh khối mang đến nhiều lợi ích, bao gồm việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm mỗi trường và sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Bên cạnh việc phát triển đa dạng nguồn năng lượng để củng cố an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng sinh khối cũng là một hình thức tốt để phát triển kinh tế khu vực, tạo ra thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống của người dân tại những nơi có dự án điện sinh khối.
Năng lượng sinh khối có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp tạo ra năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng phi tái tạo. Dưới đây là một số ứng dụng chính của năng lượng sinh khối.
Trong sản xuất điện
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của năng lượng sinh khối là trong việc sản xuất điện. Các nhà máy điện sử dụng sinh khối đốt cháy nguyên liệu từ sinh khối để tạo ra hơi nước, làm quay tuabin và tạo ra điện. Điều này không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ – hai nguồn năng lượng chính gây ô nhiễm – mà còn giúp tái tạo nguồn năng lượng từ các sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nông nghiệp và rừng.
Trong ngành công nghiệp hóa chất
Năng lượng sinh khối cũng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hóa chất. Các dẫn xuất từ sinh khối, như etanol và biodiesel, có thể được sử dụng như một thay thế tiềm năng cho xăng hoặc dầu diesel. Điều này không những giúp giảm lượng khí thải carbon mà còn giúp tăng tính bền vững của ngành công nghiệp này.
Trong ngành nông nghiệp
Năng lượng sinh khối cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp. Phân bón từ sinh khối, như compost từ rác hữu cơ, có thể giúp cung cấp dinh dưỡng cho đất và làm tăng năng suất cây trồng. Hơn nữa, phân hủy sinh khối cũng có thể tạo ra biogas, một nguồn năng lượng tái tạo có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
Năng lượng sinh khối là một nguồn năng lượng quan trọng của tương lai. Hiện nay, trên thế giới, năng lượng sinh khối là nguồn năng lượng thứ 4, chiếm đến 15% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Ở các nước đang phát triển, tỉ trọng còn ở mức 35-45% tổng cung cấp nguồn năng lượng, đủ để thấy được tầm quan trọng của loại năng lượng này trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước. Tại Việt Nam, một đất nước cũng đang trên đà phát triển cũng cần nhìn nhận lại về tầm quan trọng của năng lượng sinh khối.
Với điều kiện khí hậu thuận lợi, thời tiết nóng ẩm và thường xuyên mưa, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của sinh khối. Do đó, riêng nguồn cung từ thực vật, với hệ thống nông, lâm nghiệp phong phú, liên tục gia tăng, nguyên liệu sinh khối luôn có sẵn. Những nguồn phụ phẩm, chất thải nông nghiệp lại đang bị coi là rác thải tự nhiên, không tái sử dụng gây lãng phí, thậm chí nguy hiểm hơn là trở thành nguyên nhân gây ra ô nhiễm.
Năng lượng sinh khối ở Việt Nam được các tổ chức về môi trường khuyến khích phát triển bởi nó nằm trong chu trình ngắn, tận dụng và phát triển nguồn năng lượng này sẽ giúp chúng ta đạt được 2 mục tiêu về năng lượng và cả môi trường. Tại Việt Nam, đất nước nông nghiệp với rất nhiều rơm rạ, trấu, bã mía, vỏ cà phê và các loạt hạt. Tất cả đều đang chưa được tái chế một cách hiệu quả, chủ yếu là đốt để phục vụ các nhu cầu đời sống.
Tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam là không hề nhỏ, tuy nhiên, để có thể đưa ngành công nghiệp sinh khối phát triển mạnh mẽ, việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư là vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm cả chính phủ, ngành công nghiệp, và toàn thể xã hội. Chúng ta cần có các chính sách phát triển minh bạch, rõ ràng, thúc đẩy sự nghiên cứu và phát triển ngành, giảm bớt các rào cản trong việc triển khai các dự án năng lượng sinh khối.
Tại Việt Nam, năng lượng sinh khối hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một trong những nguồn năng lượng sạch mới trong tương lai. Đây là cơ hội để cải thiện môi trường sống, củng cố an ninh năng lượng quốc gia, bước đi quan trọng trên con đường tiến tới một tương lai bền vững. Để có một tương lai xanh, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ để khai thác hết tiềm năng này, đảm bảo năng lượng sinh khối sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong hệ thống năng lượng quốc gia, tăng cường sự đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
Tin tức liên quan