Intracom Group

Một giờ “Thưởng trà” với Chủ tịch Intracom

Một ngày hè quá nắng để hy vọng vào một cuộc gặp gỡ dễ chịu, nhưng cuộc trò chuyện bên ấm trà được pha rất kỳ công của vị chủ nhà Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng & Giao thông (Intracom) đã khiến bao sự căng thẳng, mệt mỏi trong tôi như tan biến.

 

Có người nói với tôi rằng, trong cuộc đời có những người rất lạ, họ đem đến những nguồn năng lượng tích cực và “cảm hóa” những người xung quanh không phải bằng những giáo lý “đao to búa lớn” mà chỉ bằng cách sống, “tâm thiện”, bằng sự bình yên. Và trong rất nhiều người tôi từng phỏng vấn, có lẽ TGĐ Nguyễn Thanh Việt là người đem đến cảm giác này cho người đối diện…

“Thiền trà”…

Tôi gặp doanh nhân Nguyễn Thanh Việt tại Bệnh viện Phương Đông – nơi  Intracom đang đầu tư và sắp đến ngày hoàn thiện. Vì khuôn viên quá rộng, phòng ốc quá nhiều nên tôi “lạc đường” mãi mới tìm được lối ra. Cũng vì lẽ đó, tôi có cơ hội được “mục sở thị” khu vực bệnh viện – nơi có tiếng là “mô hình đạt chuẩn quốc tế”. Dù chưa khánh thành nhưng vị trí tọa lạc rộng, thuận lợi, cách thiết kế phòng ốc hiện đại… chẳng lâu nữa khu vực này sẽ có một điểm khám chữa bệnh phục vụ người dân chất lượng cao.

Phòng của vị Chủ tịch HĐQT nằm trên tầng 13, nhìn xuống toàn cảnh khu phố đẹp, nhiều cây xanh và thoáng đãng. Mùi trầm hương tỏa ra dịu nhẹ khiến người bước vào có cảm giác bình an, nhẹ nhõm…

Tôi vẫn thường có ý nghĩ, doanh nhân rất bận với công việc nên nếu chớp được cơ hội phỏng vấn họ thì không lan man chuyện trò mà phải tranh thủ hỏi thật nhiều để khai thác thông tin cần thiết. Thế nhưng, với Nguyễn Thanh Việt lại khác, người bắt đầu câu hỏi là ông, ông hỏi thăm công việc của tôi, cuộc sống gia đình, giống như một người bạn lớn lâu ngày không gặp. Ông cũng không tạo cho tôi cảm giác của sự bận rộn, vội vã khi thong thả ngồi bên bàn trà, bật nước và bắt đầu pha ấm trà mời khách. Cái cách pha trà kỳ công, điệu nghệ trong một tâm thái rất bình thản khiến tôi có cảm giác người ngồi trước mặt mình như một nghệ nhân về lĩnh vực này. Ông bảo rằng, “thưởng trà” giúp con người bình tâm trở lại sau những áp lực công việc, đó còn có thể gọi là “thiền trà”. Rót mời tôi một chén trà, ông lại rót riêng vào một tích trà khác và nói rằng, trà này pha cho vợ ông đang họp với nhân viên phòng bên cạnh, làm việc nhiều chắc cần được phục vụ một tách trà thơm. Ông mời vợ đến lo phần trang trí, thiết kế thêm cho Bệnh viện đa khoa Phương Đông vì có bàn tay phụ nữ, sẽ có những tinh tế, ấm áp hơn cho một nơi “cứu người” như thế này. Những điều nhỏ nhất cũng cần phải học và chén trà không chỉ là để uống mà để cảm nhận cả những yêu thương.

Quên mình đi – đó là lẽ sống

Tôi tò mò và có ý định “phản biện” về điều ông tâm đắc: “Mục tiêu cuối cùng của cuộc đời tôi là hạnh phúc được phục vụ người khác”… Nhưng khi trò chuyện thì quả thực tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi quan điểm này. Cuộc sống hay kinh doanh đều cần có từ khóa “hạnh phúc”nhưng hạnh phúc được phục vụ người khác thì dường như chẳng dễ gặp trong cuộc sống nhiều bộn bề này – tôi đã nghĩ như thế trước khi gặp ông.

Nguyễn Thanh Việt có lẽ “nắm bắt” được những ngờ vực ấy nên ông cặn kẽ giải thích một cách rất giản dị theo nhiều cấp độ. Đầu tiên đó là dưới góc độ của người kinh doanh, ông cho rằng, nghề kinh doanh là nghề phục vụ người khác, muốn việc kinh doanh được hiệu quả, thành công thì sự hài lòng của khách hàng là điều quan trọng nhất…Thái độ phục vụ người khác chu đáo, ngõ hầu từ đấy sẽ đem lại lợi nhuận và điều được nhất chính là “chiếm được lòng tin” của khách hàng.

 Trên thực tế, mọi người đều muốn thu nhập cao, doanh nghiệp đều muốn có phát triển nhưng lại chưa có văn hóa phục vụ. Và quan điểm này rất cần thay đổi tư duy đã thành một thói quen không mấy tích cực trong môi trường kinh doanh nước ta.

Có lẽ vì quan điểm ấy của người đứng đầu nên dù hoạt động trong lĩnh vực từ dịch vụ đến dự án đầu tư bất động sản, y tế cộng đồng, Intracom luôn có uy tín và đạt hiệu quả cao. Và với nhân viên, ông luôn đặt ra yêu cầu phục vụ khách hàng “Sản phẩm của Intracom cũng với tinh thần như vậy, tất cả phải gửi tâm vào trong đó, đó là cả tình yêu, niềm tin của Intracom tạo ra sản phẩm, từng ngôi nhà và đưa đến cho khách hàng, cho mọi người”.

Và rõ ràng là, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, ở một cấp độ cao hơn chính là việc phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội. Với những người đứng trên người khác thì suốt đời chạy theo tìm kiếm hạnh phúc mà không bao giờ thấy, với những người sống khiêm nhường, đặt lợi ích của người khác lên trên, sống vì mọi người, biết đủ thì hạnh phúc tự đến…

 “Khi anh phục vụ tốt, đem lại rất nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời, lẽ dĩ nhiên anh cũng có phần, dù là phần nhỏ thôi nhưng lại không kém vinh dự và đó chính là hạnh phúc rồi…” – doanh nhân Nguyễn Thanh Việt tâm sự. 

Có lẽ vì thế, ông Việt xây dựng và phát triển kinh doanh gắn liền với Phật giáo. Phật giáo đánh giá cao việc cống hiến cho cộng đồng đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó cũng là mục tiêu mà ông cũng như tập thể Intracom luôn hướng đến.

Còn cấp độ cao nhất chính là cấp độ tôn giáo. Ở cấp độ này, ông khiêm nhường bảo rằng, đó là mục tiêu của cuộc đời ông. Tôn giáo trong Phật giáo là tâm hồn vô ngã, vị tha. Con người khổ vì bản ngã của chính mình, khi mình giác ngộ được toàn phần “bỏ tất cả, được tất cả” thì mới “đắc đạo”. 

Khi mình còn thấy mình, thấy người, còn thấy khổ khi phải phục vụ người khác, còn thấy tự ái việc này việc khác… thì tâm chưa giải thoát. “Mục tiêu phấn đấu của tôi không phải là nhiều tiền, nhiều dự án, giúp được nhiều người vì “nhiều” cũng chỉ là hữu hạn mà mục tiêu cuối cùng của tôi là quên mình đi. Làm được điều đó rất khó,  phải thực tập, tu tập từng ngày và dù con đường ấy nhiều gian nan nhưng tôi luôn tâm niệm đó là lẽ sống”…

Một tiếng “thưởng trà” với rất nhiều tư liệu cho bài viết, nhiều bài học cho riêng mình nhưng chỉ nên bàn về “hạnh phúc” ở đây để mở ra nhiều điều thú vị cho những câu chuyện khác nữa. 

Mùi trầm hương trong căn phòng vị doanh nhân ấy như bám vào cả tâm tưởng của người được thưởng thức cho đến tận khi ra về. Khi cánh cửa phòng mở ra, tôi thấy rất nhiều người trẻ tuổi đang ngồi chờ bên ngoài, có lẽ họ đợi được vào phỏng vấn xin làm việc. 

Tôi chợt nghĩ, đó sẽ là những người rất may mắn khi được làm nhân viên ở đây, với một “ông chủ” có tâm có tài, một tập thể được nuôi dưỡng bởi một văn hóa “hạnh phúc là được phục vụ người khác”.

Theo Hà Vân – Nhà báo và Công luận

 

 

 

Đánh giá
  • Tags: