Intracom Group

Vấn nạn đốt rơm rạ và mối nguy cho cộng đồng

Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường khi xả thải nhiều loại khí độc cùng làn khói dày đặc. Không khó để bắt gặp những hình ảnh đốt rơm rạ tại các vùng nông thôn sau khi thu hoạch lúa. Khối lượng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa là vô cùng lớn, tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng “tài nguyên” này một cách hiệu quả và có giá trị về kinh tế thay vì đốt bỏ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cả sức khỏe con người. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về cách xử lý rơm rạ sao cho hiệu quả và an toàn nhé!

Thói quen đốt rơm rạ của người Việt

Cứ sau mỗi mùa thu hoạch lúa, rơm rạ sau khi được phơi khô đều được chất đống để đốt bỏ, tạo ra những đám khói lớn bốc lên nghi ngút. Số lượng rơm rạ được mang đi xử lý bằng phương pháp đốt lên đến 90%, bởi đây là phương pháp đơn giản, không tốn nhiều công sức và xử lý một cách nhanh chóng. Thông thường, mùa thu hoạch lúa vào thời điểm mùa hè tại miền Bắc, việc đốt rơm rạ không những khiến khói bụi, mà còn khiến cho thời tiết và nhiệt độ oi bức hơn.

Hàng năm, nước ta sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa với lượng rơm rạ phát sinh là khoảng 47 triệu tấn.  Khoảng 80% trong số này được xử lý theo phương pháp đốt, ước tính, hàng năm, chỉ riêng hoạt động đốt rơm rạ đã thải ra môi trường 50 triệu tấn khí thải. Không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường ở nông thôn, khói và tro đôi khi còn theo gió đi đến các đô thị lân cận khiến cản trở tầm nhìn, ô nhiễm khí độc, ngạt mũi, cay mắt,…

đốt rơm rạ

Tác hại của việc đốt rơm rạ

Hoạt động xử lý rơm rạ bằng phương pháp đốt ngoài trời gây ra hậu quả có thể nhìn thấy được đó là việc khói bốc lên nghi ngút, khói này có tính cay, khi đi vào mắt hay mũi con người tạo cảm giác khó chịu, chảy nước mắt, ngạt thở, đôi khi là ho, hắt hơi, buồn nôn,… Khói này bao gồm các khí độc hại như CO, CO2, NO2, SO2, và nhiều hợp chất khác đều có hại cho sức khỏe con người. Việc đốt rơm rạ ngoài trời vừa thải khí độc ra môi trường gây ô nhiễm không khí, vừa cản trở tầm nhìn người đi đường, gây khó chịu.

Trung bình, mỗi một ha lúa sẽ tạo ra khoảng 10 – 12 tấn rơm rạ, việc đốt lượng phế thải nông nghiệp này sẽ tạo ra một lượng khí độc khổng lồ đi thẳng vào bầu khí quyển, là tác nhân không hề nhỏ dẫn đến biến đổi khí hậu. Đốt rơm rạ thành tro, các chất hữu cơ rơm rạ bị biến đổi thành các chất vô cơ, làm cho nền đất bị chai cứng, mất đi dinh dưỡng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng ở những vụ tiếp theo.

Tận dụng rơm rạ, thu bội tiền!

Rơm rạ có nhiều giá trị về mặt kinh tế nếu chúng ta biết cách xử lý chúng, thay vì đốt bỏ như trước đây.

Làm phân bón hữu cơ

Nhu cầu về phân bón ở nước ta rất cao, trong khi chi phí luôn là bài toán khó khăn với các doanh nghiệp và hộ gia đình. Phân bón hữu cơ là giải pháp tốt để giải quyết cả 2 vấn đề trên. Như đã đề cập, 1ha lúa khi thu hoạch sẽ cho ra 10-12 tấn rơm rạ, nếu được đưa đi làm phân bón hữu cơ bằng việc xử lý các chế phẩm sinh học, chúng ta sẽ thu được 400kg phân hữu cơ. Cứ như vậy nếu tính trên tổng thể ngành nông nghiệp nước ta, lượng rơm rạ có thể tạo ra được 20 triệu tấn phân bón hữu cơ, đây là một số tiền khổng lồ.

Phân bón hữu cơ còn giúp cải tạo đất rất hiệu quả, mang đến nhiều dinh dưỡng và độ phì nhiêu.

Tạo độ phì nhiêu cho đất

Phân bón hữu cơ như đã nói giúp cho đất trồng trở nên dinh dưỡng hơn, ở một số hơi, rơm rạ còn được cắt nhỏ và trộn luôn vào đất khi mới thu hoạch lúa, sau một thời gian ngắn lượng rơm rạ này cũng sẽ trở thành phân bón hữu cơ.

Thức ăn gia súc

Rơm là thức ăn ưa thích của các loài gia súc như trâu, bò,… rơm là loại có thể để được lâu ngày mà không bị hỏng, chỉ cần mang ra phơi khô là có thể trở thành thức ăn cho trâu bò.

Bên cạnh đó, rơm rạ cũng được sử dụng để trồng nấm rơm hay làm vật lót trong việc vận chuyển hàng hóa chống va đập rất tốt. Rơm rạ có nhiều tác dụng và lợi ích kinh tế hơn chúng ta nghĩ, thay vì đốt chúng ngay tại cánh đồng, hãy tận dụng và xử lý chúng hiệu quả để tối ưu được nguồn tài nguyên tái tạo này.

Việc đốt rơm rạ không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường, mà còn đặt ra nhiều thách thức với sức khỏe của con người. Đa phần rơm rạ tại Việt Nam đều đang được xử lí theo phương pháp này đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực nông thôn và lây lan sang cả các khu đô thị lân cận. Việc nhận thức về tác hại và sử dụng “tài nguyên” rơm rạ sao cho đúng cần được đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nông dân. Bằng những cách thức xử lý an toàn và hiệu quả, rơm rạ không còn là phế thải bỏ đi trong nông nghiệp, giá trị mà nó mang lại cũng có nhiều lợi ích cho xã hội.

Tinh thần hợp tác, chung tay của chính phủ, doanh nghiệp và những người nông dân là chìa khóa để giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ hiện nay, thay đổi sang các hình thức xử lý khác có giá trị, bảo vệ môi trường và sức khỏe mọi người. Đây không chỉ là hành động để giữ cho môi trường sạch sẽ, trong lành, nâng cao sức khỏe con người mà còn là hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.

3.9/5 - (7 bình chọn)
  • Tags: