Luật người cao tuổi được Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ 6 thông qua. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các chính sách và chế độ dành cho người cao tuổi. Dưới đây là những chế độ người cao tuổi mới nhất mà bạn có thể tham khảo.
Các Bộ, ban, ngành liên quan đã ban hành Thông tư quy định chi tiết về các chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm giá vé, chi phí tham gia giao thông, các hoạt động văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động du lịch, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi.
Cụ thể như sau:
Đối với chế độ bảo trợ xã hội, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó có các mức trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu kể từ ngày 1/7/2021.
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người có người thân chăm sóc và tuổi đủ từ 60 – 80 tuổi được hệ số 1,5. Tương đương 540.000.đồng/tháng.
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người thân phụng dưỡng, chăm sóc hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tuổi từ 80 tuổi trở lên sẽ được hưởng hệ số 2,0, tương đương mức 720.000 đồng/tháng.
Người cao tuổi từ đủ 75 – 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo mà không thuộc 02 trường hợp nêu trên, đang sinh sống ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng hệ số 1,0 tương đương mức 360.000 đồng/tháng.
Người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên, không thuộc các trường hợp nêu trên, không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ được hưởng hệ số 1,0. Tương đương 360.000 đồng/tháng.
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng. Và đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng sẽ được hưởng hệ số 3,0. Tương đương 1.080.000 đồng/tháng.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2021, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng. So với quy định cũ, mức mới này tăng 90.000 đồng/tháng tại điểm l khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP.
Đối với chính sách giảm giá dịch vụ, giá vé theo Nghị định 06/2011 ban hành về hướng dẫn thi hành một số điều Luật Người cao tuổi, thì người cao tuổi sẽ được giảm giá vé dịch vụ, vé tham quan di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, tập luyện thể dục thể thao tại những cơ sở có tổ chức bán vé thì người cao tuổi sẽ được giảm ít nhất từ 15 đến 20%.
Đối với chính sách chúc thọ, mừng thọ cho những người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà. Đối với những người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà. UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương tổ chức mừng thọ người cao tuổi có độ tuổi từ 70 đến 100 tuổi trở lên vào các ngày như: Ngày Tết Nguyên Đán, ngày sinh nhật của người cao tuổi, ngày người cao tuổi Việt Nam 6/6; ngày quốc tế người cao tuổi 1/10.
Trong thời gian qua, các chính sách trên đã được các cấp các ngành, Hội người cao tuổi các cấp trên địa bàn cả nước triển khai thực hiện. Bước đầu đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe.
Theo Điều 11 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định Người từ đủ 80 tuổi không có lương hưu, đang hưởng trợ cấp tử tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng cùng với những trợ cấp người cao tuổi khác thì được Nhà nước được hỗ trợ chi phí mai táng.
Mức hỗ trợ chi phí mai táng cho người cao tuổi tính bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng. Ví dụ mức trợ cấp xã hội hàng tháng là 360.000 đồng” thì trợ cấp mai táng là 360.000 × 20 = 7.200.000 đồng.
Hiện nay, đối với một số người cao tuổi chưa vào tổ chức Hội thì vẫn còn mơ hồ và thậm chí còn chưa được giải quyết một trong những chính sách trên. Đặc biệt là những người cao tuổi khu vực nông thôn, miền núi, do họ chưa nắm được các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Người cao tuổi.
Hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến chế độ dành cho người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức. Việc tuyên truyền còn bó hẹp phạm vi. Vì thế để những chính sách, chế độ của Đảng và Nhà Nước đối với đối tượng người cao tuổi thực sự được đi vào cuộc sống và mọi đối tượng đều được giải quyết các chế độ thì cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, phối hợp giải quyết những chế độ của người cao tuổi.
Như vậy, các tổ chức hội Người cao tuổi ở cở sở cần tập trung tuyên truyền phổ biến chế độ người cao tuổi mới nhất và vận động người cao tuổi tham gia vào tổ chức hội. Để từ đó hiểu rõ về những quyền lợi của Đảng và Nhà nước dành cho người cao tuổi.
Tin tức liên quan