Tình trạng rác thải tại Việt Nam hiện nay
Theo thống kê, mỗi người Việt trung bình thải ra 1,2kg rác mỗi ngày. Tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030. Đã đến lúc phải nhìn nhận rác thải dưới góc độ kinh tế để giải quyết các vấn đề về môi trường hiện nay.
Lượng rác thải ra ngày càng tăng cao
Tính riêng các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM, mỗi ngày có 7.000 – 8.000 tấn rác thải được thải ra, kinh phí thu gom và xử lý rác lên đến 1.200 – 1.500 tỷ mỗi năm, chiếm 3,5% ngân sách. Việt Nam hiện đang trong top 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới. Trong số đó có khoảng 85% lượng rác đang được xử lý theo biện pháp chôn lấp. Các chuyên gia đánh giá đây là một biện pháp lãng phí và không thể thực hiện lâu dài.
Rác thải khi không được xử lý sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng với đường nước ngầm và ô nhiễm không khí tại các khu vực xung quanh các bãi rác lớn. Đây là thách thức không hề nhỏ với Nhà nước khi lượng rác vẫn đang ngày một tăng cao, bài toán về môi trường đang dần trở nên khó khăn hơn.
Biến rác thành điện: Giải quyết bài toán môi trường và kinh tế
Tại Việt Nam, hiện đang có 1 nhà máy điện rác được đặt tại Sóc Sơn, đây cũng là nhà máy điện rác có công suất lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau một nhà máy điện rác tại Thượng Hải. Ngày 25/7/2022, nhà máy chính thức hòa lưới điện quốc gia với công suất phát điện 15MW. Nhà máy tiếp nhận và xử lý 5.500 tấn rác mỗi ngày, hơn 78% lượng rác toàn thành phố Hà Nội được xử lý tại nơi đây.
Nhà máy điện rác tại Sóc Sơn
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn đang lãng phí rất nhiều khi mang phần lớn rác đi chôn lấp mà không tái chế, tạo ra năng lượng để tái sử dụng vào nền kinh tế. Nhìn ra khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang nhắm đến rác thải để sản xuất điện. Với sự hỗ trợ công nghệ đốt rác sản xuất điện của các công ty Nhật Bản, nhiều nước trong khu vực đang nhắm đến rác thải như là một nguồn năng lượng mới.
Xét trên khía cạnh môi trường, đốt rác sẽ tạo ra khí Carbon, trong khi chôn rác tạo ra khí methane, gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần so với khí Carbon. Giải pháp đốt rác sẽ làm giảm lượng rác thải chôn lấp, từ đó, giúp giảm tác động đến ảnh môi trường, vừa có thể tạo ra nguồn năng lượng điện tái sử dụng cho các nhà máy điện rác, hòa vào lưới điện cung cấp điện cho xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Một mũi tên trúng hai đích, vừa giải quyết vấn đề rác thải, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Tin tức liên quan